Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng (JTWP) UAE

Tại Hội nghị Cấp bộ trưởng về Chuyển đổi công bằng (JTWP) UAE trong khuôn khổ Hội nghị COP 29, Đoàn Việt Nam đã nêu quan điểm về nội dung này và khẳng định: Việc nâng cao nhận thức cho những người bị ảnh hưởng là yếu tố then chốt để đảm bảo quá trình chuyển đổi thành công.

Đoàn Việt Nam trình bày tại phiên họp COP 29

Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP29) diễn ra từ ngày 11 – 22/11 tại Baku (Azerbaijan). Một trong những trọng tâm chính là Chương trình làm việc về chuyển đổi công bằng (JTWP) UAE.

Trong suốt tuần làm việc thứ nhất của COP29, các Bên không đưa ra được dự thảo tài liệu về nội dung này và Cuộc họp các bên tham gia Thỏa thuận Paris lần thứ 6 tiếp tục xem xét vào tuần làm việc thứ hai. Dự thảo tài liệu do Điều giải viên COP29 đưa ra được cho là chưa phản ánh được quan điểm của các bên đối với JTWP.

Tại Baku, vấn đề gây tranh cãi chính là liệu các nước đang phát triển có thể đạt được kế hoạch làm việc khả thi hay không? Họ có được hỗ trợ các phương tiện thực hiện và hợp tác quốc tế sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi công bằng này không?

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu

Tại Hội nghị Cấp bộ trưởng về Chuyển đổi công bằng, Đoàn Việt Nam đã nêu quan điểm rõ ràng.

Thứ nhất, việc nâng cao nhận thức cho những người bị ảnh hưởng từ quá trình chuyển đổi là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công của quá trình này.

Công bằng và bình đẳng là trọng tâm của một quá trình chuyển đổi năng lượng thành công. Ví dụ như đảm bảo điện giá rẻ cho người dân có thu nhập thấp. Quá trình chuyển đổi phải hỗ trợ phát triển kinh tế, cho phép người dân được hưởng lợi từ việc chuyển đổi năng lượng mà không ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Hơn nữa, các bên liên quan, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng cần có cơ hội bày tỏ mối quan ngại của mình và đóng góp vào các chính sách chuyển đổi, cũng như đề xuất cơ chế hỗ trợ.

Thứ hai, cần cung cấp sớm và đẩy đủ hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ công nghệ và tài chính cho quá trình chuyển đổi tại các nước đang phát triển.

Một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng đòi hỏi phải tái đào tạo, nâng cao kỹ năng và năng lực cho lực lượng lao động hiện tại trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như những người làm việc trong các mỏ than, nhà máy điện than hoặc chuỗi cung ứng nhiên liệu hóa thạch.

Việt Nam đang nghiên cứu khả năng thiết lập bộ quy tắc khung về chuyển đổi công bằng, trước hết là trong bối cảnh quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG). Việc làm này nhằm xem xét liệu một số tiêu chuẩn và nguyên tắc công bằng có nên được áp dụng trong các dự án chuyển đổi năng lượng hay không, đảm bảo rằng các khoản đầu tư đó cũng đồng thời mang lại kết quả công bằng. Việt Nam hy vọng sẽ rút ra một số kinh nghiệm từ thử nghiệm này để định hướng cách tiếp cận toàn diện hơn với các yếu tố công bằng trong tương lai gần.

Thứ ba, suốt quá trình chuyển đổi cần đảm bảo tính minh bạch. Quá trình chuyển đổi minh bạch sẽ tăng cường lòng tin giữa các quốc gia và đảm bảo rằng công bằng trong quá trình chuyển đổi là thực chất. Việc chia sẻ thông tin một cách minh bạch sẽ cho phép tất cả các bên đánh giá được tình hình thực hiện và xây dựng các biện pháp chính sách phù hợp.

Thực hiện chuyển đổi công bằng là một xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược vì một tương lai bền vững. Việt Nam hy vọng rằng cuộc họp cấp cao sẽ mang lại những kết quả cụ thể và đầy tham vọng để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon toàn cầu.

Tài liệu đám phán mới ra đêm ngày 20/11/2024 dài 04 trang và còn 09 lựa chọn, 08 nội dung để trong ngoặc. Các bên còn rất ít thời gian để đưa ra đồng thuận cuối cùng trước ngày bế mạc Hội nghị COP29 tại Baku.

Chu Hương (đưa tin từ Baku)

Rate this post